Gìn giữ và tạo sức sống cho thổ cẩm truyền thống của dân tộc Dao đỏ
2025-07-04 16:19:00.0
Chị Triệu Thị Sỉnh, thôn Bản Cuôn, xã Chợ Đồn cần mẫn với những bộ trang phục cầu kỳ thêu tay truyền thống của dân tộc
Hành trình kết nối bàn tay khéo léo
Sinh ra và lớn lên ở bản Dao, ngay từ khi còn nhỏ, chị Triệu Thị Sỉnh đã được mẹ truyền dạy nghề thêu. Nhờ thế, từng chi tiết, từng công đoạn, ý nghĩa của những hoa văn, biểu tượng đã trở nên quen thuộc, gắn bó với tuổi thơ của chị.
Đối với người Dao đỏ, thổ cẩm không chỉ dùng để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, mà còn mang một ý nghĩa thiêng liêng, là kỷ vật tình yêu hay của hồi môn trong ngày cưới. Đây không chỉ là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống, đó còn cho thấy sự khéo léo, tinh tế và đầy kiên trì của phụ nữ Dao. Bởi để làm ra một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh có thể mất 1 tuần, 1 tháng, thậm chí có những trang phục thổ cẩm phải mất cả năm.
Trang phục cô dâu của dân tộc Dao đỏ được tái hiện tại Lễ hội Carnaval đường phố Bắc Kạn tổ chức tháng 4/2025 (nay là Thái Nguyên)
Năm 2018, sản phẩm “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục người Dao đỏ” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - đây là niềm vinh dự, tự hào của đồng bào dân tộc Dao Bản Cuôn. Với kinh nghiệm, vốn hiểu biết về thêu hoa văn trên trang phục người Dao đỏ, năm 2020, chị Triệu Thị Sỉnh đã mạnh đạn đứng ra thành lập Tổ hợp tác phát triển các sản phẩm nông lâm nghiệp Bản Cuôn. Vận động, tập hợp chị em phụ nữ dân tộc Dao cùng duy trì, phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Những sản phẩm được nhóm chị Sỉnh thêu chủ yếu như: Ví, túi, khăn, mũ, áo, vỏ gối trên vải tràm, thổ cẩm và một số sản phẩm từ đan lát…
Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng và giữ được bản sắc của dân tộc, các chị em trong Tổ hợp tác thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Từng đường kim, mũi chỉ, nét hoa văn, họa tiết trên thổ cẩm của người Dao đỏ được chị Sỉnh cùng các thành viên trong Tổ hợp tác gìn giữ. Những sắc màu thổ cẩm dần được hồi sinh, qua đó tay nghề thêu, đan của các chị đã được cải thiện rõ rệt, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ, bước đầu tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Chị Triệu Thị Sỉnh trực tiếp hướng dẫn thành viên Tổ hợp tác cách thêu họa tiết hoa văn tạo nên sự tinh xảo trên thổ cẩm
Trăn trở tìm hướng đi mới
Xuất phát từ tình yêu nghề, tự hào bản sắc văn hóa dân tộc, chị Sỉnh vẫn luôn trăn trở tìm hướng đi mới để giữ nghề, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong sự phát triển chung của xã hội. Theo chị Sỉnh, điểm nhấn trên bộ trang phục thổ cẩm người Dao chính là họa tiết hoa văn, do vậy, ngoài việc tự thiết kế, khi gặp một họa tiết đẹp, chị thường chụp lại, gửi cho các chị em trong nhóm tham khảo. Trong quá trình thêu, chị sẽ trực tiếp góp ý, chỉnh sửa, vừa để phù hợp, vừa để đẹp mắt. Nhờ thế, các sản phẩm mà chị Sỉnh và hội chị em làm ra như có sức sống, từ các chi tiết cây cỏ, động vật, chim muông đến mô phỏng các hoạt động của con người, làm nên sự sống động cho từng chi tiết trên trang phục.
Cũng chính nhờ sự chau chuốt trong công việc cùng sự thay đổi, thích ứng với nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm thổ cẩm của Tổ hợp tác đã được nhiều người dân và du khách yêu thích, tin dùng. Đó chính là động lực để chị tiếp tục sáng tạo và gắn bó với nghề. Chị Sỉnh chia sẻ, điều chị mong mỏi là các cấp, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ thêm máy móc, mở rộng thị trường tiêu thụ để chị em yên tâm bám nghề, thêm yêu công việc và tự hào với di sản cha ông để lại.
Giữ gìn, phát triển nghề truyền thống là cách gìn giữ gốc rễ, bản sắc của mỗi địa phương. Đáng mừng là trong sự giao thoa, hội nhập văn hóa mạnh mẽ hiện nay, vẫn có những người giống như chị Triệu Thị Sỉnh luôn tâm huyết, cần mẫn và sáng tạo không ngừng trong giữ gìn, bảo tồn nghề truyền thống để bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ được nối tiếp trao truyền và vươn mình hòa cùng nhịp sống hôm nay.
thainguyen.gov.vn