Truy cập nội dung luôn

Hồ Nặm Cắt: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

Hồ Nặm Cắt thuộc xã Phong Quang, tỉnh Thái Nguyên có diện tích mặt nước lên tới 87,68 ha, nằm gọn giữa vùng đồi núi trùng điệp, mang vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành và được ví như “lá phổi xanh” điều hòa sinh thái cho cả khu vực.

Góc nhìn từ trên cao hồ Nặm Cắt, xã Phong Quang, tỉnh Thái Nguyên 

Vị trí thuận lợi, cảnh quan hấp dẫn

Hồ Nặm Cắt nằm trên các tuyến du lịch huyết mạch như trục cao tốc CT07 Hà Nội - Bắc Kạn - Cao Bằng và trục đường mới vào hồ Ba Bể. Đây là vị trí thuận lợi trong phát triển du lịch liên kết vùng, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nằm trong một thung lũng lòng chảo được bao bọc bởi các dãy núi cao từ 132 đến 600 m so với mực nước biển, mặt hồ như tấm gương khổng lồ soi bóng trời mây, điểm xuyết bởi những cánh rừng nguyên sinh kéo dài. Với diện tích mặt nước hơn 76 ha, hồ Nặm Cắt không chỉ là công trình thủy lợi lớn của tỉnh Thái Nguyên mà còn là hệ sinh thái đặc hữu, nơi cư trú của nhiều loài sinh vật. Nước hồ quanh năm trong xanh, vào mùa đông mặt hồ bốc sương tạo nên khung cảnh thơ mộng và huyền ảo.

Cảnh quan hồ được phân chia thành bốn vùng chủ đạo: Không gian mặt nước - trung tâm sinh thái; rừng sinh thái bao quanh với các loại rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ; vùng nông nghiệp ven hồ với bãi chè, cây ăn quả phù hợp phát triển du lịch canh nông; cảnh quan làng bản, gồm nhà sàn truyền thống của người Tày, Dao ẩn hiện bên suối, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch homestay gắn với văn hóa bản địa.

Bến xuồng hồ Nặm Cắt

Hồ Nặm Cắt còn là không gian lưu giữ bản sắc văn hóa đậm đà của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng thông qua các lễ hội như Lồng tồng, Cấp sắc, cùng các làn điệu Then, Sli, Lượn... ngân vang giữa núi rừng. Vùng quy hoạch có dân số khoảng 7.648 người, phần lớn sống bằng nông - lâm nghiệp, là nguồn nhân lực tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng, từ dịch vụ homestay, ẩm thực đến hướng dẫn viên bản địa.

Chị Hoàng Thị Lanh, người dân thôn Nà Dì, xã Phong Quang chia sẻ: “Tôi mong sắp tới có nhiều du khách. Bà con mình sẽ học thêm nghề du lịch, đón khách về nhà, nấu món ăn của người dân địa phương, giới thiệu văn hóa dân tộc mình. Vừa có thêm thu nhập, vừa tự hào vì được giữ gìn truyền thống”.

Tuy nhiên, khu vực hồ cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Địa hình dốc, phần lớn diện tích là đất rừng và đất nông nghiệp (trên 86%), trong khi quỹ đất thuận lợi để xây dựng còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông kết nối, chưa đồng bộ. Công tác bảo vệ môi trường và cảnh quan tự nhiên cần được chú trọng để đảm bảo định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững.

Phối cảnh tổng thể khu vực quy hoạch hồ Nặm Cắt

Định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững

Theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị và du lịch của địa phương đến năm 2045, hồ Nặm Cắt sẽ không chỉ là điểm đến sinh thái mà còn là trung tâm nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa đặc trưng vùng cao, đóng vai trò hạt nhân trong chuỗi sản phẩm du lịch xanh của tỉnh.

Theo Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt đã được phê duyệt, diện tích quy hoạch hồ lên đến 1.675 ha, gồm nhiều phân khu chức năng được kết nối hài hòa. Trong đó, nổi bật là khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp nằm dọc bờ hồ, phát triển theo hướng thân thiện môi trường, sử dụng vật liệu địa phương, hòa vào tự nhiên. Đây sẽ là nơi du khách tìm thấy không gian yên tĩnh, trong lành giữa đại ngàn.

Khu du lịch tâm linh sẽ bố trí trên các điểm cao của sườn đồi, với công trình kiến trúc mang bản sắc dân tộc, kết hợp hoạt động lễ hội truyền thống của người Tày, Dao, Nùng. Không gian trải nghiệm dưới tán rừng Phặc Tràng là nơi tổ chức các hoạt động như hái thuốc, làm nông nghiệp hữu cơ, nghỉ ngơi giữa thiên nhiên nguyên sơ.

Khu vui chơi giải trí và dịch vụ hỗn hợp tập trung các tiện ích hiện đại như bến thuyền, quảng trường sự kiện, khu ẩm thực và trình diễn văn hóa dân tộc. Khu dân cư hiện hữu và làng bản như Bản Bung, Nà Dì sẽ được bảo tồn, nâng cấp, đồng thời tích hợp vào chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng. Trung tâm hội nghị và giới thiệu sản phẩm OCOP sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, hội thảo chuyên đề, trưng bày đặc sản Bắc Kạn, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Điểm đặc biệt trong quy hoạch hồ Nặm Cắt là nguyên tắc phát triển gắn liền với bảo tồn. Mọi hoạt động đầu tư đều phải đảm bảo giữ gìn hệ sinh thái hồ, không xâm phạm rừng, bảo vệ hành lang sông suối, và tôn trọng cấu trúc văn hóa - xã hội bản địa. Ông Trịnh Văn Lập, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ Quy hoạch Xây dựng - đơn vị tư vấn quy hoạch cho biết: “Chúng tôi xác định, quy hoạch hồ Nặm Cắt không chỉ là một điểm đến mà sẽ là biểu tượng của lối sống xanh và phát triển bền vững của vùng Việt Bắc. Mỗi phân khu trong quy hoạch đều góp phần làm giàu thêm trải nghiệm du khách, đồng thời tạo sinh kế ổn định cho người dân địa phương”.

Không đơn thuần là một dự án hạ tầng, xã Phong Quang xác định phát triển hồ Nặm Cắt là chiến lược toàn diện, cân bằng giữa kinh tế, môi trường và văn hóa. Xã đang tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư, đặc biệt kêu gọi các doanh nghiệp chiến lược trong lĩnh vực du lịch xanh, tạo bước đột phá để đánh thức tiềm năng du lịch của hồ Nặm Cắt, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững địa phương trong những năm tới.

Thu Cúc
thainguyen.gov.vn